Hoài vọng buôn Buôr
Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:
Hoài vọng buôn Buôr
Nói đến Tây Nguyên, đến Đắk Nông, người ta sẽ nghĩ ngay đến đó là vùng đất đỏ bazan màu mỡ, đất của những vườn cà phê, tiêu, điều bạt ngạt vô tận, của những nếp nhà sàn, chạy dài cùng những điệu cồng chiêng, với ché rượu cần quây quần bên bếp lửa…
Nhưng Đắk Nông của bây giờ khác xưa nhiều lắm! Kinh tế phát triển, những ngôi nhà cao tầng san sát được mọc lên, đường nhựa hóa đến tận trong ngõ…Khi những nhu cầu cuộc sống được đáp ứng đủ đấy, con người lại hoài vãng muốn tìm lại những nếp xưa của cuộc sống. Đến với buôn Buôr ( Cư Jút, Đắk Nông), những người hoài cổ về một miền đất đỏ cao nguyên bazan sẽ được thoả chí về điều này.
Buôn cổ giữa lòng đô thị
Chiều xuống, cái nắng oi bức của tiết trời Tây Nguyên vẫn chưa hề hạ nhiệt, buôn Buor nằm ngay vùng trung tâm của thị trấn Ea T’Ling, khu vực phát triển bậc nhất của nơi đây. Buôn được bao bọc bởi khu dân cư đông đúc, của quán xá, của các nhà cao tầng… Nhìn vào đó, người ta dễ nảy sinh suy nghĩ, liệu buôn Buôr mà người ta biết đến có còn đúng bản chất cổ kính như tên gọi của nó hay không.
Hồi hộp để khám phá, để chiêm ngưỡng, theo lời chỉ của người dân, từ đường quốc lộ chính tôi men theo con đường được bê tông hóa chưa đầy 500m để đến buôn Buor. Buôn Buôr hiện ra trước mắt tôi với vẻ chân chất, cổ kính vốn có. Thật không quá lời khi người ta nhận định về nó với cái tên “Buôn cổ”.
Cảm giác đầu tiên của tôi khi bước chân vào buôn là thứ cảm xúc bình yên thật khó tả, cái ngột ngạt, nóng nảy, bụi gió hầu như tan biến, thay vào đó là những cơn cơn gió mát rượi. Buôn Buôr toát lên vẻ đẹp khiến những người khách phương xa như tôi không thể cưỡng lại.
Trời chiều tà, mọi người trong buôn đều tất bật với công việc thường ngày trên rẫy, buôn chỉ còn vài đứa trẻ và người già ngồi ngoài hiên hóng mát. Sự có mặt của tôi cũng không khiến họ tò mò lắm, chắc họ cũng quen với cảnh tượng khách thập phương đến buôn nhiều rồi.
Tôi tìm đến nhà trưởng buôn, cứ nói đến trưởng buôn, tôi cứ ngỡ chắc đã già lắm. Thế nhưng, điều bất ngờ ập vào mắt tôi là một vị trưởng Buôn còn quá trẻ, anh tên là Yba Êban . Anh còn trẻ lắm, nước da ngăm đen đậm cái nắng gió Tây Nguyên, trên môi luôn nở nụ cười hiền lành thánh thiện và nhiệt tình đặc trưng của đồng bào Tây Nguyên.
Ngôi nhà của anh cũng không rộng lắm, đây là ngôi nhà của 3 thế hệ cùng sống chung với nhau. Theo chân trưởng buôn trẻ tuổi, tôi chậm rãi đi vào tận sâu trong buôn cổ để cảm nhận và tìm hiểu về những nét đặc trưng của buôn cổ.
Theo anh trưởng buôn Yba Êban: Buôn Buôr được công nhận buôn cổ đã hơn 6 mùa cà phê! Mặc dù đời sống vẫn còn nhiều khó khăn, thế nhưng bà con trong buôn vẫn luôn cố gắng giữ gìn nhà sàn, nếp sống từ thời xưa .
Giờ trong buôn con đường đã được bê tông hóa, thế nhưng nếp xưa của một buôn cổ vẫn còn với những ngôi nhà sàn dài nhiều thế hệ cùng chung sống, trong đó có đầy đủ các bộ cồng chiêng mà còn có giếng cổ, bến nước…
Khi ánh chiều tàn sắp tắt!
Chỉ tay vào những ngôn nhà sàn cổ dài nguyên bản của dân tộc, anh Yba Êban cho biết đây là những ngôi nhà dài cổ nguyên bản, và là niềm tự hào của dân tộc Ê Đê ở đây. Thoáng nét mặt lưỡng lự, anh nói: “ Giờ còn lại không được bao nhiêu nữa, tất cả ngôi nhà sàn đã bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng hiện giờ chỉ mới trùng tu được 3 cái. Nhiều ngôi nhà sàn do hư hỏng, lại không biết cách phục hồi trùng tu nên người dân trùng tu lại bằng bê tông cốt thép cho vững chắc, giếng cổ thì không có nước, cây đổ xuống không ai sử dụng.”
Không chỉ thế, ám ảnh của bà con nơi đây là cảnh thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Mặc dù có hệ thống nước sạch nhưng đường ống đã bị hỏng không sửa chữa được. Người dân đành tự bỏ tiền túi ra khoan giếng; mỗi giếng khoan ở đây hết gần 13 triệu đồng.
Khi giếng khoan cạn kiệt, những người trẻ và phụ nữ phải miệt mài gùi từng lọ nhựa đi lấy nước mạch từ trên núi. Đường xa, mỗi chuyến đi của họ mất gần 30 phút mới đến chổ lấy nước.
Tôi thắc mắc với vị trưởng thôn trẻ, “ Tại sao lại phải đi gùi nước như thế mà không ra mua bình nước lọc về uống cho nhanh?”. Anh Yba Êban cười bảo: “Nước lọc cũng có nhưng mà không hợp với thói quen bà con. Dân làng bao năm nay đã quen uống nước mạch của đất rồi, mà nguồn nước mạch đó không phải chỗ nào cũng có, nó chảy từ lòng đất ra một dòng rất nhỏ nhưng nước lại rất mát và ngọt. Dân làng thích uống lắm, không cần phải đun lại đâu, đi làm về mệt mỏi uống được ngụm thì mát ruột lắm. Nó giống như “Cái tủ lạnh của thiên nhiên” vậy”.
Đi sâu vào buôn, tôi để ý thấy một gia đình đang ngồi ngoài bóng râm cùng vót một thứ gì đó như nứa. Lại gần trò chuyện mới biết rằng họ đang đan lát bằng cây lồ ô. Lồ ô ở đây mọc nhiều lắm, nhưng để có thể đan lát thì người dân phải đi mất cả buổi sáng để chọn những cây thân to, không già để đem về chẻ lạt.
“Đây cũng là một nghề được nhiều cụ già trong buôn làm thêm để kiếm sống qua ngày. Những vật dụng như nia, gùi, giỏ bắt cá… được người dân đặt mua, tùy theo kích thước mà giá dao động từ 100-250 nghìn với thời gian đan từ 3-5 ngày”- Nghệ nhân đan lát Yzua chia sẻ.
Bỏ lại tiếng cười, tiếng nói chuyện của gia đình chẻ lạt, chúng tôi lại đi tiếp trên con đường dẫn ra những ngôi nhà và bến nước. Vừa đi anh Yba Êban vừa kể say sưa về những lễ hội cúng bến nước, lễ mừng cơm mới, lễ rước k’pan. Nhưng anh cũng thật thà cho biết, giờ các lễ hội ấy còn sót lại ít quá, tất cả đã dần mai một.
Không chỉ dừng lại ở việc khôi phục lại những ngôi nhà dài, bến nước, giếng cổ …mà theo trưởng buôn Yba êban thì trước đây, Phòng văn hóa huyện còn mở các lớp dạy cồng chiêng, hát dân ca aray, chế tác nhạc cụ, dạy thổ cẩm… các lớp học 1 năm mở 2 lần, mỗi lần 3 tháng. nhưng vì nhiều lý do mà giờ thì không thấy mở lớp nữa.
Đi gần đến cuối con đường cũng chính là bến nước của ngày xưa. Nằm bên dòng sông hiền hòa kia, bến nước vẫn còn đó nhưng giờ nó cũng chỉ là một bến nước đơn thuần để người ta nhìn vào và nghe về những câu chuyện ngày xưa, ngày xưa ấy…
Cuộc sống gắn với dòng sông nhưng dư vị quá khứ với tiếng chiêng tha, những điệu nhạc sôi nổi vây quanh bếp lửa nay còn đâu. Sông nước vẫn còn đó nhưng người giờ đâu còn dùng đến nó nữa. Nó giờ chỉ đơn thuần là nơi để vài chiếc xuồng để người dân đi qua bên kia sông.
Chúng tôi đang hòa mình vào cảnh vật của dòng sông cùng với những tiếc nuối thì nghe tiếng cười rôm rả đằng sau. Thì ra đây đề là những nghệ nhân trong buôn đang ngồi trò chuyện với nhau.
Tôi gặp ông Ysiêk Bya – Trưởng ban Mặt trận buôn Buôr tại đây, qua trò chuyện, nét mặt ông toát lên đầy lo lắng: “Nét văn hóa truyền thống cổ xưa của buôn làng ngày càng bị mai một, chỉ mong cho dự án trùng tu khôi phục cứu lấy các nhà cổ. Xây dựng một con đường liên thôn và tu sửa lại hệ thống cung cấp nước sạch để đồng bào bớt khổ và càng mong văn hóa dân tộc mình càng được nhiều người biết đến và thu hút khách du lịch đến với buôn.”
Nghệ nhân dạy cồng chiêng trong buôn, ông Ysim thì chia sẻ: “Tôi già rồi, mỗi ngày được đánh lại nhạc cụ của dân tộc mình cái bụng tôi mừng lắm. Giờ tôi chỉ muốn truyền dạy lại cho thế hệ trẻ thôi. Thế hệ trẻ trong buôn mà không biết, không mê tiếng chiêng thì sẽ dần mai một thôi.”
Nghệ nhân H’rơyam dạy thổ cẩm thì trầm ngâm cho biết: “Lớp có khoảng 30-35 học viên, có ngày thì nhiều người lắm. Có ngày thì họ mắc đi nương rẫy nên cũng không có nhiều người đến học đâu. Được giảng dạy và truyền đạt lại nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình ta vui lắm. Nhưng mà học dệt rồi tự làm sản phẩm thì không có ai mua, nên dần dần không ai đi học nữa, những người trẻ cũng không có ai dệt nữa!”
Đem những chia sẽ đó từ các nghệ nhân, tôi tìm gặp ông Trần Mạnh Trường – Trưởng Phòng Văn hóa xã Tâm Thắng, qua trò chuyện ông cho biết: “ Hiện nay buôn Buôr còn hơn 10 nhà dài truyền thống, nhưng mới chỉ trùng tu được 3 vì do cấm khai thác gỗ nên việc trùng tu còn gặp nhiều hạn chế. Đồng bào ở đây không lợp mái nhà dài bằng lá nữa mà thay bằng ngói, bằng tôn…, vì giờ gỗ cũng không còn, nhiều nhà cổ bị hư hại nên người dân phải xây bằng gạch bao quanh thay cho gỗ.”.
Chia tay buôn làng, tôi mang theo cái cảm giác tiếc nuối về một điều gì đó đã và đang dần bị phai tàn theo dòng chảy vội vã của thời gian. Tôi tiếc nhớ đến cảnh vật mộc mạc giản dị đến của con người nơi đây, với tiếng chiêng tha bên bếp lửa hồng cùng những bài hát say đắm của những đôi trai gái Ê Đê mang nhiều tâm tư sâu đậm cảm xúc…